Thị trường bất động sản sẽ tăng trưởng khả quan
Năm 2020, thị trường bất động sản (BĐS) tại Cần Thơ hội tụ những yếu tố tích cực khi có nhiều dự án mới đã và đang triển khai, góp phần gia tăng nguồn cung sản phẩm. Tín dụng cho BĐS cũng tăng trưởng khả quan theo nhu cầu đầu tư, sở hữu nhà ở và đất nền của người dân. Các nhà đầu tư, kinh doanh BĐS tiếp tục giữ vững niềm tin vào sự tăng trưởng của thị trường BĐS Cần Thơ khi kết cấu hạ tầng của thành phố tiếp tục được quan tâm đầu tư đồng bộ hơn.
Khu đô thị Nam Cần Thơ với cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày một khang trang, đồng bộ.
Ông Lê Phương Đông, Trưởng Đại diện Văn phòng Hội Môi giới BĐS Việt Nam khu vực ĐBSCL, cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết Nguyên đán là giá BĐS sẽ có chiều hướng tăng lên. Lượng khách giao dịch thường tăng đến tầm trong vòng khoảng một tháng rưỡi đến khoảng tiết Thanh Minh. Sau đó đến dịp 30-4, 1-5, thị trường lại có đợt sôi động khi người dân tranh thủ thời gian nghỉ lễ để khảo sát thị trường, ký kết hợp đồng mua bán sau khi đã tìm hiểu thông tin từ trước đó. Bước sang các tháng mùa mưa, thị trường lại có xu hướng giảm lượng giao dịch.
Thị trường BĐS của Cần Thơ cũng vận động tuân theo quy luật cung - cầu và quy luật chung của thị trường BĐS cả nước. Ông Đỗ Công Quyền, Giám đốc Sàn Giao dịch BĐS Mekong Land, chia sẻ: Giá đất tại Cần Thơ liên tục tăng trong những năm gần đây và qua nhiều lần thiết lập nên mặt bằng giá mới đã chứng tỏ thị trường tăng trưởng nhờ có rất nhiều yếu tố thuận lợi. Ngoài nhu cầu ở và đầu tư của người dân, doanh nghiệp, sức hút của thị trường BĐS Cần Thơ còn nhờ các công trình giao thông mang tính kết nối trong nội đô và kết nối liên vùng. Khu Nam Cần Thơ là một minh chứng rõ nét cho sự phát triển vượt bậc của thị trường BĐS tại Cần Thơ trong 10 năm qua. Giá cả BĐS tại Cần Thơ còn ở mức giá vừa tầm so với các đô thị lớn nên vẫn thu hút đông đảo lượng khách hàng từ các nơi trong cả nước, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đến tìm mua đón đầu.
Năm 2019, UBND TP Cần Thơ đã có quyết định giao chủ trương đầu tư cho các dự án mới thuộc lĩnh vực BĐS. Sau thời gian thực hiện thủ tục, tập trung giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng, một số dự án mới có khả năng “bung hàng” ra vào dịp đầu năm 2020. Khi thị trường đón nhận sản phẩm mới sẽ góp phần tăng thêm lựa chọn đầu tư thay vì chỉ tập trung vào các sản phẩm từ những dự án cũ đã triển khai trước đây. Thị trường Cần Thơ phát triển sôi động, nhiều sàn giao dịch BĐS mới tham gia vào thị trường: Đất Xanh, CenLand, Danh Khôi, Lộc Sơn Hà, SC Holding… Các sàn giao dịch mới tham gia vào thị trường BĐS Cần Thơ chủ động tìm kiếm các nguồn hàng cũ lần nguồn hàng mới để đưa ra chào bán. Do có nhiều sàn giao dịch cùng hoạt động nên không chỉ tập trung vào các dự án ở khu vực trung tâm thành phố: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng mà còn phát triển ra các dự án ở quận Ô Môn, huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ. Các sàn giao dịch này cũng nhận sản phẩm ở các tỉnh: Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh… để chào bán. Qua đó góp phần gia tăng sự sôi động cho thị trường BĐS Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.
Năm 2019, dư nợ cho vay lĩnh vực BĐS trên địa bàn thành phố đạt 22.027 tỉ đồng, chiếm 27,1%/ tổng dư nợ và tăng 57,31% so với cuối năm 2018. Dù dư nợ cho vay BĐS tại Cần Thơ tăng cao so với cuối năm 2018 nhưng xét về giá trị tuyệt đối thì không đáng kể so với các thành phố trực thuộc Trung ương và so với mức tăng của cả nước. Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: BĐS Cần Thơ thời gian qua ấm lên, tín dụng cho BĐS cũng tăng lên. Trong đó chủ yếu là khách hàng vay cá nhân để xây nhà, mua nhà. Thị trường ấm lên cũng nhờ các chủ đầu tư triển khai các dự án tốt hơn. Cùng với đó, Việt Nam là nước đang phát triển, Cần Thơ đang trên đà đô thị hóa, nhu cầu về nhà ở đang rất lớn. Thống kê bình quân diện tích đất ở trên đầu người còn thấp. Do đó, tín dụng cho BĐS tăng lên theo nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ của người dân, nhu cầu xây dựng các khu đô thị mới, chung cư, nhà ở xã hội của các thành phần kinh tế. Hiện nay, lãi suất cho vay BĐS cũng được duy trì ở mức ổn định, tùy theo ngân hàng mức lãi suất cho vay kỳ hạn dài dao động từ 9-11%/năm.
Thời điểm cuối năm, các ngân hàng thường hạn chế cho vay BĐS mà tập trung vào các sản phẩm cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ nhu cầu dự trữ hàng hóa kinh doanh Tết của doanh nghiệp. Sang đầu năm, các gói tín dụng cho vay BĐS sẽ nới lỏng hơn tạo thuận lợi cho người dân và nhà đầu tư. Các đơn vị kinh doanh BĐS nhận định, thị trường BĐS thường có xu hướng chung là khi giá BĐS có chiều hướng tăng, khách hàng lại đổ xô đi mua đất, còn khi giá BĐS chững lại hoặc giảm giá, khách hàng có tâm lý dừng lại nghe ngóng, quan sát xem thị trường có giảm giá thêm nữa hay không. Một số đơn vị kinh doanh, môi giới BĐS cũng tư vấn đối với khách hàng nhỏ lẻ, người có nhu cầu về chỗ ở thực sự nên tranh thủ mua đất vào khoảng thời điểm vừa qua Tết Nguyên đán. Bởi thời điểm này, rổ hàng vẫn còn những sản phẩm giá tốt khi có một số nhà đầu tư tiềm lực bung hàng bán lấy may mắn đầu năm.
Ông Lê Phương Đông, Trưởng Đại diện Văn phòng Hội Môi giới BĐS Việt Nam khu vực ĐBSCL, chia sẻ thêm: Khi thị trường tăng trưởng tốt, các nhà đầu cơ thường sử dụng “đòn bẩy tài chính” để “lướt sóng” kiếm lời. Còn đối với những khách hàng vay mua BĐS để ở thì nên cân nhắc khi vay vốn. Hiện nay, các ngân hàng có thể giải ngân cho vay lên đến 70-80% giá trị tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, người mua nên chủ động nguồn vốn tự có khoảng 70-80% giá trị BĐS, chỉ nên vay từ 20-30% giá trị. Khi đó, người mua sẽ giảm được áp lực trả gốc, lãi hằng tháng, hạn chế vay mua BĐS vượt quá khả năng chi trả.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN
Nguồn: Baocantho.com.vn